Bạn thường xuyên bị đau nhức, gai buốt vùng từ thắt lưng xuống đến hông. Cơn đau lan xuống đùi, bắp chân, cổ chân rồi đến bàn chân khiến đi lại khó khăn, vận động mạnh lại càng đau làm cản trở cuộc sống sinh hoạt.
Bạn băn khoăn không biết mình có phải bị đau dây thần kinh tọa hay không, và nếu bị thì điều trị như thế nào, uống thuốc gì để thuyên giảm.
Trong bài viết dưới đây Nhà thuốc Vinh Lợi sẽ giải đáp thắc mắc của bạn về bệnh Đau dây thần kinh tọa và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn.
Bệnh đau dây thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa hay gọi cách khác là dây thần kinh hông to, vì dọc mỗi bên hông có một dây thần kinh lớn, dài nhất trong các dây thần kinh chạy dọc từ thắt lưng tới mặt sau của hai chi dưới.
Nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều khiển hoạt động của hai chân, giữ chức năng thăng bằng cơ thể, điều khiển hoạt động đi lại, chạy nhảy, thay đổi tư thế.
Bất cứ tác động nào gây kích thích đến dây thần kinh tọa đều dẫn đến cảm giác đau ở mức độ từ nhẹ đến nặng.
Thuật ngữ Đau dây thần kinh tọa được sử dụng trong y khoa để chỉ các triệu chứng xuất hiện khi dây thần kinh tọa bị chèn ép quá mức gây đau do nhiều nguyên nhân đến từ công việc, cuộc sống hằng ngày.
Nguyên nhân dẫn đến đau dây tần kinh tọa
Có nhiều nguyên nhân khiến dây thần kinh tọa bị chèn ép, tuy nhiên các triệu chứng thường đến muộn nên đa số các trường hợp phát hiện thường ở độ tuổi trung niên (từ 30 đến 60 tuổi)
Có 2 nhóm nguyên nhân lớn đó là do bệnh nhân mắc các bệnh lý toàn thân và do các tổn thương tại chỗ.
Ở một số người mắc các bệnh như sốt rét, lậu, cúm, thương hàn, giang mai, thấp tim thường có khả năng để lại di chứng là đau dây thần kinh tọa. Nhưng trường hợp này khá ít gặp.
Đa số bệnh nhân gặp các cơn đau từ thắt lưng đến bàn chân thường là do thoát vị đĩa đệm, trượt cột sống, thoái hóa cột sống thắt lưng cùng, viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống, nhiễm trùng cột sống, chấn thương hoặc do các khối u.
Các bệnh lý trên hầu như bắt nguồn từ lối sống sinh hoạt, lao động như làm việc gắng sức, vận động sai tư thế, lão hóa, … Từ đó gây ra các tổn thương cấp tính hoặc mãn tính với cột sống, xương chậu khiến các đốt xương dịch khỏi vị trí vốn có của nó và chèn ép vào dây thần kinh gây đau.
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến nhất, gặp ở nhiều lứa tuổi.
Ngoài ra còn có nhiều yếu tố tác động làm bệnh tiến triển nhanh hoặc nặng thêm như: béo phì, tiểu đường, táo bón, vận động nặng, thói quen sinh hoạt sai lệch, tính chất nghề nghiệp,…
Xem thêm: Ung thư xương: Dấu hiệu, các giai đoạn của bệnh và cách phòng ngừa
Triệu chứng đau dây thần kinh tọa
Triệu chứng phổ biến và đặc trưng nhất của chứng đau dây thần kinh tọa là cơn đau dọc theo dây thần kinh. Cảm giác đau có thể bắt đầu từ thắt lưng lan đến một bên hông và lan dần xuống hai bắp đùi.
Cơn đau thường chỉ gặp ở một bên chân và ở phía sau của cẳng chân, tuy nhiên đối với một số trường hợp mạn tính nó có thể xuất hiện ở cả hai bên chi dưới gây vận động khó khăn.
Đặc biệt, khi vận động mạnh hoặc khi thay đổi tư thể, bạn có thể đột ngột thấy nhói sau đó là cảm giác nóng rát, tê buốt lan dần ra. Thi thoảng, một bên chi dưới của người bị đau dây thần kinh tọa trở nên tê cứng, ngứa râm ran.
Ở bệnh nhân cấp tính, cơn đau thường đến đột ngột và không báo trước. Đau có thể ở mức độ nhẹ như nhức hoặc buốt nhưng cũng có thể ở cường độ mạnh hơn khiến người bệnh không thể tiếp tục hành động dở dang hoặc thậm trí không thể đi lại.
Ở một số bệnh nhân mắc chứng đau thần kinh tọa mạn tính, các cử động nhẹ như trở mình, ho, hắt hơi, cúi người,… cũng có thể dẫn đến sự đau nhức.
Tuy nhiên ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường xuất hiện rời rạc và không điển hình khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh đau lưng hay chỉ suy nghĩ là do làm việc nặng nhọc. Điều này khiến cho bệnh tình ngày một tiến triển nhanh và trở nên mạn tính, gây khó khăn trong điều trị dứt điểm.
Bên cạnh việc phải chịu đựng các cơn đau nhức, người bệnh còn phải đối mặt với các biến chứng xảy đến nếu không điều trị kịp thời. Bệnh nhân có thể bị thay đổi dáng đi như lệch tư thế đứng, đi tập tễnh, nhão một bên hông, một bên chi dưới bị chảy xệ, thân nhiệt giảm, mất cảm giác ở chân, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ,…
Nghiêm trọng hơn, do đau nhức nên bệnh nhân ngại vận động, nằm lâu ở một tư thế gây liệt nửa người. Bởi vậy, nếu có một trong các triệu chứng trên, bạn không nên chần chừ, trì hoãn mà hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra chẩn đoán sớm nhất.
Cách điều trị đau dây thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa hầu hết là do chèn ép dây thần kinh hông to vì vậy nếu chỉ sử dụng thuốc giảm đau hoặc bỏ qua các triệu chứng nhẹ ban đầu bệnh sẽ không khỏi dứt điểm. Ngoài ra việc tự ý mua thuốc uống theo truyền miệng rất dễ gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, khiến bệnh diễn biến khó kiểm soát gây cản trở điều trị.
Vì vậy nếu nghi ngời mình bị đau dây thần kinh tọa hoặc có các biểu hiện triệu chứng trên bạn hãy mau chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nhất. Người bị đau dây thần kinh tọa được chia làm hai loại là mãn tính và cấp tính.
Đau dây thần kinh tọa cấp tính
Đối với trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể tự chăm sóc điều trị tại nhà bằng việc sử dụng các thuốc giảm đau, các liệu pháp giảm đau, tập thể dục nhẹ nhàng, thuốc giãn mềm cơ,… Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng các thuốc giảm đau thường sử dụng trên thị trường hiện nay đi kèm theo nó là khá nhiều tác dụng phụ.
Đặc biệt là các thuốc giảm đau phi steroid (NSAIDs), chúng thường gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy, nhức đầu, choáng váng, nổi mẩm đỏ,… Các thuốc giãn mềm cơ thì kèm theo tác dụng phụ là gây mệt mỏi, nhức đầu, tim đập nhanh,…
Bởi vậy, bạn cần cân nhắc xem mình có dị ứng với loại thuốc giảm đau nào hay không, hoặc tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn. Nhưng trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định cần dùng các thuốc giảm đau hiệu lực mạnh hơn như các sản phẩm có chứa narcotic kết hợp cùng xoa bóp nóng lạnh xen kẽ.
Các loại thuốc trên sẽ giúp giảm nhanh cơ đau buốt, tê nhức ở vùng lưng dưới và hai chân, giúp người bệnh nhanh chóng trở lại được hoạt động bình thường. Bên cạnh đó để bệnh đau dây thần kinh tọa không tái phát và trở nên mãn tính, bạn cần tập thể dục đều đặn, tránh làm công việc gắng sức, tránh vận động sai tư thế,…
Xem thêm: Đau thắt lưng là bệnh gì? Nguyên nhân, Triệu chứng ở nam giới và nữ giới
Đau dây thần kinh tọa mãn tính
Còn đối với trường hợp mãn tính, cần sự kết hợp của người bệnh và nhiều biện pháp, thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn. Các phương pháp phổ biến sử dụng hiện nay là vật lý trị liệu, châm cứu bấm huyệt, sử dụng thuốc bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc đông dược. Đối với các trường hợp mạn tính dài thường phải kết hợp hai phương pháp, đôi khi là 3 phương pháp trong thời gian dài gây mệt mỏi và tốn kém cho bệnh nhân.
Vì vậy, hiện nay người ta đang dần chuộng phương pháp điều trị đau dây thần kinh tọa bằng các bài thuốc nam, từ các thảo dược tự nhiên. Phương pháp này có ưu điểm là ít tác dụng phụ, an toàn, chi phí thấp. Bạn có thể tìm hiểu các bài thuốc điều trị đau thần kinh tọa từ cỏ xước, sữa tỏi,…
Trường hợp nặng, các biện pháp trên hầu như không có tác dụng thì bệnh nhân cần được can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật: phẫu thuật cắt bỏ khối thoát vị đĩa đệm hoặc phẫu thuật cắt lớp thắt lưng – mở rộng tủy sống. Các phương pháp này nhằm loại bỏ khối chèn ép từ đó làm giảm áp lực ên dây thần kinh.
Các bài tập giúp giảm đau dây thần kinh tọa
Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn các bài tập bổ ích trong việc giảm đau nhức, đồng thời hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh đau dây thần kinh tọa ở bệnh nhân.
Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân đang điều trị đau thần kinh tọa giai đoạn nặng, cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi muốn luyện tập các bài tập này.
Bài tập tăng cường sự linh hoạt ở vị trí thắt lưng
Các bước chuẩn bị: Sử dụng thảm hoặc chiếu, nằm lên trên đó cùng với một chiếc gối nhỏ kê dưới đầu. Kéo chân về sát thân sao cho 2 bàn chân thẳng, 2 chân rộng bằng độ rộng của hông.
Các bước thực hiện: Dùng hai tay từ từ kéo một đầu gối lên phía thân trên, sát với ngực hết mức có thể. Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 30 giây, đồng thời hít thở sâu. Sau đó từ từ cho chân về vị trí ban đầu. Đổi chân và thực hiện lại động tác 3 lần với mỗi chân.
Bài tập co giãn vị trí cơ đùi sau
Các bước chuẩn bị: Tư thế đứng thẳng, để chân phải lên bậc hoặc nấc thang. Giữ cả hai chân đều thẳng, các ngón chân phải duỗi thẳng.
Các bước thực hiện: Bắt đầu từ từ nghiêng người về trước, giữ lưng thẳng. Sao cho cơ thể thăng bằng trong vòng 30 giây, đồng thời hít thở sâu. Làm tương tự chân trái và thực hiện động tác này từ 2 đến 3 lần.
Bài tập co giãn vị trí cơ tháp
Các bước chuẩn bị: Tư thế chuẩn bị giống với bài tập tăng cường sự linh hoạt ở vị trí thắt lưng. Đồng thời vắt chéo chân phải qua chân trái tạo hình chữ ngũ.
Các bước thực hiện: Dùng 2 tay giữ lấy bắp đùi trái từ từ kéo về phía người. Phần hông eo thẳng, kéo căng mông bên phải. Giữ tư thế trên trong vòng 25-30 giây, kết hợp với hít thở đều. Lặp lại động tác với chân còn lại thêm 3 lần với mỗi chân.
Xem thêm: Thoái hóa khớp: Nguyên nhân, biến chứng, cách phòng và điều trị bệnh
Tóm lại, bệnh đau dây thần kinh tọa gây ra nhiều phiền toái và đau đớn cho người bệnh, bởi vậy bạn hãy thường xuyên tập thể dục, vận động đúng cách để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.