Bệnh rối loạn tiền đình là gì? Triệu chứng, Nguyên nhân, Cách điều trị

Bệnh rối loạn tiền đình
Bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình hiện nay là một trong những bệnh phổ biến nhất ở nhóm tuổi trung niên và người lớn tuổi cùng với các bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp. Đây là những bệnh có khả năng gây tàn tật cao cũng như ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của người bệnh. Nhà Thuốc Vinh Lợi sẽ chia sẻ những thông tin về căn bệnh này ở bài viết sau đây.

Bệnh rối loạn tiền đình là gì?

Hệ thống tiền đình là một hệ thống nằm ở tai trong, phía sau hai bên của ốc tai với vai trò chủ yếu là giữ thăng bằng cho cơ thể không bị ngã cũng như phối hợp tư thế dáng bộ hoặc điều chỉnh các cử động của thị giác phù hợp với chuyển động thân mình. Như vậy, mỗi khi cơ thể nghiêng lắc hay cúi xoay thì hệ thống tiền đình cũng sẽ di chuyển theo sau đó để đảm bảo cơ thể được giữ ổn định.

Hệ thống này sẽ được điều khiển bởi dây thần kinh số VIII nhằm liên kết với hệ thống thần kinh trung ương để đảm bảo các thông tin âm thanh từ thính giác sẽ được chuyển thành dạng xung thần kinh trên não.

Hệ thống tiền đình sẽ bao gồm 2 hệ thống nằm ở ngoại biên và trung ương. Hệ thống tiền đình trung ương bao gồm nhân tiền đình có ở thân não. Hệ thống tiền đình ngoại biên gồm mê đạo tiền đình nằm ở tai trong và hệ thống thần kinh tiền đình tức là dây thần kinh số VIII.

Bệnh rối loạn tiền đình (trong y khoa còn được gọi là Vestibular Disorder) là các bệnh lý hoặc các bất thường có liên quan đến hệ thống, từ đó khiến hệ thống này dẫn sai thông tin làm cho người bệnh không còn giữ thăng bằng cho cơ thể được nữa. Tình trạng này nếu tiến triển nặng hơn sẽ gây ra các triệu chứng như chóng mặt, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người bệnh, thậm chí là làm cho người bệnh không giữ được thăng bằng gây té ngã.

Theo phân loại hệ thống quốc tế ICD-10 thì bệnh rối loạn tiền đình sẽ được đánh dấu mã hóa trên hệ thống là H81.90 Những bệnh lý liên quan đến rối loạn chức năng tiền đình.

Triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình

Hỏi tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng có thể hỗ trợ việc xác định các biểu hiện lâm sàng khác nhau của các nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng hệ thống tiền đình. Ngoài ra, chúng còn hỗ trợ xác định các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân.

triệu chứng rối loạn tiền đình
Đâu đầu, chóng mặt là một trong những triệu chứng rối loạn tiền đình

Ớ người bị rối loạn tiền đình có thể sẽ ghi nhận các nhóm triệu chứng sau đây:

Chóng mặt

Triệu chứng này cần được xác định có liên quan đến thăng bằng hay không. Cảm giác của bệnh nhân có thể là một cảm giác lắc lư hoặc nghiêng hoặc cảm giác mơ hồ về sự mất cân bằng hoặc mất phương hướng. Lắc lư không được nhầm lẫn với cảm giác lâng lâng của bệnh nhân.

Đối với nguyên nhân là tổn thương ở hệ thống tiền đình, chóng mặt thường không liên tục hoặc kéo dài, nặng hơn khi cử động đầu. Hệ thống thần kinh trung ương sẽ có khả năng thích nghi nên tình trạng chóng mặt của bệnh nhân sẽ giảm dần trong vài ngày hoặc vài tuần. Nếu bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt liên tục hoặc chóng mặt kéo dài hàng tháng, thì có khả năng đó không phải là nguyên nhân từ hệ thống tiền đình.

Rung giật nhãn cầu

Bệnh nhân thường bị rung giật nhãn cầu với các triệu chứng này khi khám sức khỏe. Mức độ nghiêm trọng của rung giật nhãn cầu và hình thái của rung giật có thể sẽ giúp phân biệt rối loạn tiền đình trung ương và ngoại biên.

Rung giật nhãn cầu dạng hỗn hợp giữa rung giật ngang và xoay là kết quả của một tổn thương ngoại vi làm ảnh hưởng một bên với cả ba kênh bán nguyệt. Cố định thị giác là khả năng giữ mắt cố định của cơ thể, tuy nhiên phản ứng này chỉ hiệu quả với các tổn thương ở ngoại vi, chứ không điều chỉnh được thị giác của bệnh nhân khi tổn thương nằm ở trung tâm.

Nguồn gốc của triệu chứng rung giật nhãn cầu có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Cần phân biệt rung giật nhãn cầu sinh lý là một dạng cử động mắt không tự chủ và là một phần của phản xạ tiền đình mắt (VOR). Các chuyển động của mắt sinh lý sẽ nhịp nhàng, xen kẽ theo một hướng và thường là chuyển động ngang.

Ảo giác

Bệnh nhân có thể sẽ có cảm giác nghiêng hoặc đôi khi cảm thấy cơ thể bị lộn ngược. Sự rối loạn chức năng của các cơ quan thần kinh thính giác có thể khiến bệnh nhân ngã sang bên tổn thương. Bệnh nhân có thể mô tả cảm giác dao động, ảo giác thị giác về chuyển động và nhìn mờ khi đầu chuyển động.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rối loạn chức năng tai như ù tai. Đây là một biểu hiện sự suy giảm phản xạ tiền đình-mắt. Bệnh nhân có thể có cảm giác bị đẩy hoặc kéo xuống đất. Một số bệnh nhân còn có tư thế và dáng đi không ổn định, thậm chí là mất thăng bằng. Qua thăm khám sẽ phát hiện bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt, biểu hiện rối loạn chức năng nhân tiền đình như ù tai, rung giật nhãn cầu,…

Độ dài và tần suất của các cơn rối loạn tiền đình là phương pháp tốt nhất để xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiền đình.

Ảo giác
Rối loạn tiền đình có thể gây ảo giác
  • Các cơn tái phát kéo dài dưới một phút thường là chóng mặt tư thế kịch phát.
  • Các cơn tái phát kéo dài từ vài giây đến vài phút có thể xuất phát từ cơn thoáng thiếu máu động mạch sống nền
  • Nếu bệnh nhân đang trải qua các cơn ảo giác hay chóng mặt kéo dài từ vài phút đến vài giờ có khả năng là bệnh Meniere hoặc là cơn đau nửa đầu có liên quan đến chóng mặt.
  • Các cơn tái phát kéo dài vài ngày có thể liên quan đến các vấn đề viêm mê đạo, thoái hóa myelin, đột quỵ do thiếu máu ở vị trí tiểu não hoặc là viêm dây thần kinh tiền đình
  • Trường hợp nếu bệnh nhân thường xuyên chóng mặt mà không cải thiện có khả năng xuất phát từ nguyên nhân tâm lý.

Việc xác định các triệu chứng kèm theo hoặc tiền căn trước đó cũng góp phần xác định nguyên nhân gây ra rối loạn hệ thống tiền đình của bệnh nhân.

Các triệu chứng ho, hắt hơi, gắng sức hoặc tiếng ồn lớn làm trầm trọng thêm có khả năng là do các lỗ rò bị sung huyết. Tiền sử có nhiễm virus hoặc các triệu chứng tương tự nhiễm virus gần đây có thể giúp xác định bệnh viêm dây thần kinh tiền đình là nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình.

Những bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, nhìn đôi, loạn nhịp, yếu hoặc tê có khả năng đang bị rối loạn tiền đình từ hệ thần kinh trung ương như đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính.

Các triệu chứng thần kinh có thể có trước hoặc sau chóng mặt. Bệnh Ménière thường bị điếc và ù tai. Nhức đầu, sợ ánh sáng và ám ảnh cũng có thể gợi ý đến chứng đau nửa đầu có liên quan đến chóng mặt.

Các yếu tố nguy cơ về mạch máu như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá làm tăng khả năng đột quỵ gây ra rối loạn hệ thống tiền đình từ trung ương. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, chóng mặt với hai yếu tố nguy cơ trở lên có 8% nguy cơ đột quỵ trong 2 năm. Những bệnh nhân có ba yếu tố nguy cơ trở lên và chóng mặt có 14% nguy cơ đột quỵ trong 2 năm.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc như aminoglycosid, thuốc hóa trị liệu (Cisplatin) có thể gây nhiễm độc tiền đình và gây ra các triệu chứng tiền đình do nguyên nhân ngoại vi. Sử dụng lâu dài các loại thuốc co giật như phenytoin và Tegretol có thể ảnh hưởng đến trung ương tiểu não.

Việc phối hợp các nhóm triệu chứng, tiền căn cũng như thăm khám của bác sĩ sẽ hỗ trợ định hướng nguyên nhân cũng như giúp xác định bệnh nhân có thật sự bị rối loạn hệ thống tiền đình hay không.

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Nguyên nhân của các bệnh lý gây rối loạn tiền đình có thể được chia thành hai nhóm nguyên nhân ngoại vi và trung ương.

Đối với nhóm nguyên nhân rối loạn tiền đình xuất phát từ các tổn thương ở ngoại biên sẽ bao gồm các tổn thương ở khu vực tai trong, nhân và dây tiền đình. Nhóm này sẽ bao gồm các bệnh lý phổ biến sau:

Chóng mặt tư thế kịch phát (BPPV)

Đây là một rối loạn cơ học của tai trong gây ra các cơn chóng mặt thoáng qua trong khoảng thời gian ngắn, thường sẽ tự cải thiện. Chóng mặt do tư thế là một dạng rối loạn tiền đình lành tính chiếm tới 8% số người bị chóng mặt. Phụ nữ và nhóm bệnh nhân trên 50 tuổi là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Thời gian trung bình của các triệu chứng là hai tuần. Các triệu chứng này rõ ràng nhất khi thay đổi vị trí và thường nặng hơn vào buổi sáng.

Nguyên nhân của bệnh lý này là do sự bất hoạt của ống bán nguyệt, thường là ống bán nguyệt sau và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên. Điều này tạo ra các triệu chứng chóng mặt được bệnh nhân khai là cảm thấy quay cuồng. Nguồn gốc của bệnh lý này là do các tinh thể canxi bị thay đổi vị trí làm cho hệ thống dẫn truyền nhầm tưởng rằng cơ thể đang di chuyển.

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Tuy nhiên, bệnh lý có thể dễ dàng điều trị bằng cách luyện tập chuyển động đầu để đưa tinh thể canxi về đúng lại vị trí ban đầu.

Viêm dây thần kinh tiền đình

Đây là một bệnh lý rối loạn tiền đình ngoại biên khác. Nguyên nhân của nó là do các rối loạn viêm cấp tính do virus hoặc sau khi nhiễm virus gây ra. Tình trạng viêm do virus gây ra ảnh hưởng đến nhánh tiền đình của dây thần kinh sọ thứ tám.

Bệnh Meniere

Rối loạn tiền đình ngoại biên thứ ba là bệnh Meniere. Rất khó xác định nguyên nhân gây ra tình trạng dư thừa chất lỏng trong hệ thống mê đạo, nhưng có sáu nguyên nhân được đặt ra

  • Một trong những căn nguyên là sự tắc nghẽn của túi hoặc ống dẫn nội dịch. Lối vào của túi nội dịch bị chặn bởi các tinh thể canxi và làm chặn dòng chảy của nội dịch. Đây cũng là cơ chế tương tự được đề xuất cho chóng mặt tư thế kịch phát.
  • Thứ hai là sự thiểu sản của cống tiền đình.
  • Thứ ba là cơ chế miễn dịch chưa được xác định rõ ràng.
  • Thứ tư là di truyền theo kiểu di truyền trội trên NST thường. Nguyên nhân này có ở 8% đến 15% bệnh nhân mắc bệnh Ménière trong nghiên cứu. Chính vì vậy, tiền sử gia đình mắc bệnh rối loạn tiền đình rất hữu ích trong chẩn đoán bệnh lý Meniere. Các nghiên cứu cho thấy biểu hiện lâm sàng của bệnh Meniere có vẻ sẽ trầm trọng hơn ở các thế hệ sau.
  • Căn nguyên thứ năm được đề xuất là nguyên nhân do virus. Các virus  bị nghi ngờ là Herpes simplex, Varicella-Zoster và Cytomegalovirus.
  • Căn nguyên thứ sáu được đề xuất là sự liên quan ở những bệnh nhân bị đau nửa đầu và những người mắc bệnh Meniere.

Đây là bệnh lý có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên nhóm tuổi đặc biệt cần lưu ý là thuộc từ 20 đến 40 tuổi.

Lỗ rò Perilymphatic (PLF)

Lỗ rò quanh tai là một đường thông nối bất thường giữa tai giữa và khoang quanh tai trong do thoái hóa ống tủy trên. Tình trạng này cho phép áp lực từ khoang dịch não tủy đến tai trong. Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị lỗ rò quanh tai bao gồm những bệnh nhân có tiền sử chấn thương do đi lặn hoặc đi máy bay, phẫu thuật tiền đình, các triệu chứng trở nên nặng hơn khi đi tiêu, căng thẳng hoặc nâng tạ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể có lỗ rò quanh tai bẩm sinh.

Các nguyên nhân của rối loạn hệ thống tiền đình có tổn thương ở trung ương có thể gây ra bệnh bao gồm các tổn thương đường dẫn truyền tiền đình đi tới nhân tiền đình ở vị trí thân não cũng như tiểu não hoặc các tổn thương của hệ động mạch sống nền sau cổ. Các bệnh lý gây ra rối loạn tiền đình này bao gồm:

  • Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua ở đốt sống (TIA) ảnh hưởng đến dây thần kinh số VIII
  • Cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính liên quan đến các vùng thần kinh tiền đình, tiểu não hoặc thân não
  • Cơn đột quỵ xuất huyết ảnh hưởng đến chức năng tiền đình thân não và tiểu não
  • Các bệnh lý hủy myelin cũng có khả năng ảnh hưởng đến các vùng tiền đình, tiểu não và thân não như bệnh đa xơ cứng
  • Chấn thương sọ não ảnh hưởng đến tiểu não và thân não.
  • Các loại thuốc như Aminoglycoside có thể ảnh hưởng đến các vùng thần kinh tiền đình.
Lỗ rò quanh tai
Lỗ rò quanh tai cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình

Cần lưu ý là các triệu chứng của đột quỵ ảnh hưởng đến khu vực thân não và tiểu não cũng có nét tương tự nhau như chóng mặt, rung giật nhãn cầu, buồn nôn và nôn, rối loạn dáng đi.

Theo một số phân tích đa biến còn cho thấy, các bệnh nhân có rối loạn chức năng hệ thống tiền đình có liên quan đến một số yếu tố sau:

  • Tình trạng gia tăng tuổi tác của bệnh nhân, đặc biệt là ở nhóm tuổi trên 40 tuổi theo một số nghiên cứu ở Mỹ chiếm đến 35%. Ngoài ra, 80% những người trên 65 tuổi cũng được báo cáo đã từng trải qua triệu chứng chóng mặt, trong đó số người có nguyên nhân rối loạn hệ thống tiền đình chiếm đến 50% trong tổng số người bị chóng mặt.
  • Giới tính nữ
  • Có giảm thính lực và đang chịu các căng thẳng liên quan đến cảm xúc của bệnh nhân
  • Có tiền sử chóng mặt

Bệnh rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Diễn tiến của bệnh rối loạn tiền đình khá đa dạng. Một số người bị rối loạn tiền đình có thể có triệu chứng trong một vài ngày rồi sau đó hết bệnh. Tuy nhiên, có một số người có thể bị rối loạn tiền đình kéo dài và tái đi tái lại.

Về bản chất, các bệnh lý rối loạn tiền đình đa phần không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân trừ khi bệnh nhân bị rối loạn tiền đình do nhiễm trùng hoặc nhiễm virus. Nếu không điều trị và phát hiện kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng qua các vị trí khác gây khó khăn hơn trong việc điều trị.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, các triệu chứng của rối loạn tiền đình như chóng mặt, mất thăng bằng, hoặc ảo giác, các rối loạn liên quan đến thị giác cũng như thính giác có khả năng khiến cho người bệnh cảm thấy khó khăn trong sinh hoạt cá nhân. Việc chóng mặt đột ngột cũng như tình trạng mất thăng bằng đột ngột trong các cơn rối loạn tiền đình có khả năng làm bệnh nhân bị té ngã khi đang ở các vị trí nguy hiểm như bậc thang.

Nếu bệnh nhân đang ở nhà một mình không được chăm sóc có khả năng sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng như chấn thương, gãy xương, thậm chí là chấn thương sọ não. Nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời, các chấn thương này có thể tiến triển nặng hơn làm cho bệnh nhân bị liệt, đoạn chi hoặc thậm chí là đột quỵ xuất huyết não do chấn thương.

Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng, hoa mắt cũng như chóng mặt là một trong các nguyên nhân lớn và quan trọng gây ra các gánh nặng tàn tật ở người già.

Bệnh rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Bệnh rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Từ đó, có thể thấy được việc phát hiện và điều trị sớm cho bệnh lý rối loạn tiền đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi gặp các dấu hiệu nghi ngờ, người nhà hoặc bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như CT scan, X quang hoặc MRI nhằm xác định nguyên nhân kịp thời nguyên nhân cũng như điều trị sớm cho bệnh nhân.

Rối loạn tiền đình có chữa được không?

Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp bệnh nhân mắc bệnh rối loạn tiền đình khỏi bệnh nhanh hơn và quay trở lại cuộc sống bình thường tốt hơn.

Phương pháp điều trị hỗ trợ sẽ tập trung vào các bài tập về mắt và đầu cùng với các bài tập thăng bằng để giúp giảm chóng mặt và cải thiện khả năng đi lại của bệnh nhân. Đồng thời, tùy theo mỗi bệnh nhân mà bác sĩ vật lý trị liệu sẽ điều chỉnh các phương pháp điều trị này cho phù hợp với các vấn đề cụ thể và sức khỏe tổng quát của người bệnh

Đối với những người bị chóng mặt ngoại biên, cơn chóng mặt của họ có thể thuyên giảm ngay cả khi không điều trị. Đối với một số người, tình trạng chóng mặt sẽ không thuyên giảm trừ khi được thực hiện các bài tập cho các vấn đề về thăng bằng và chóng mặt.

Vai trò của việc duy trì hoạt động cho cơ thể và vùng đầu là rất quan trọng, ngay cả khi nó khiến bệnh nhân chóng mặt. Vì nó sẽ hỗ trợ người bệnh tốt nhất trong việc phục hồi sau vấn đề về tai trong.

Đa số các thuốc điều trị thường không cần thiết, trừ khi hệ thống tiền đình có các vấn đề viêm nhiễm. Tuy nhiên, nếu tình trạng chóng mặt của bệnh nhân quá nặng, chuyên gia vật lý trị liệu có thể phối hợp với bác sĩ để làm cho các triệu chứng cải thiện bằng thuốc để bệnh nhân có thể tiếp tục tập các bài tập di chuyển.

Xem thêm những thông tin liên quan:

Bệnh thiểu năng tuần hoàn não là gì? Triệu chứng, phác đồ điều trị

Thuốc Tanakan 40mg của Pháp là thuốc gì? Giá bao nhiêu? Tác dụng

Thuốc Cinnarizine 25mg là thuốc gì? Tác dụng, chỉ định, giá bán

Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình

Điều trị rối loạn tiền đình cần sẽ phải tùy theo căn nguyên của mỗi người.

Mục tiêu của điều trị bệnh Meniere là giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn chóng mặt, nếu được có thể điều trị để giảm hoặc loại bỏ triệu chứng mất thính lực và ù tai của bệnh nhân. Ngoài ra, có thể sẽ hỗ trợ bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng mãn tính và giảm thiểu tàn tật, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thay đổi lối sống, tránh tác nhân gây bệnh

Nhìn chung, đa số các tình huống đều cần phải điều trị triệu chứng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Các thuốc có thể sử dụng trong trường hợp này bao gồm thuốc chống nôn (metoclopramide, ondansetron, prochlorperazine, promethazine), thuốc ức chế tiền đình (diphenhydramine, dimenhydrinate, meclizine), benzodiazepine (alprazolam, clonazepam, diazepam và lorazepam),…

Thông thường, bệnh nhân sẽ được điều trị bao gồm thay đổi lối sống và tránh các tác nhân gây bệnh. Chế độ ăn ít natri xuống còn 2 đến 3 mg mỗi ngày, hạn chế đồ uống có chứa cafein, rượu, nicotin, bột ngọt và các chất gây dị ứng theo nhiều nghiên cứu có thể có ích trong việc hồi phục bệnh.

Đối với nhóm bệnh lý rối loạn tiền đình do nhiễm trùng, nhiễm virus hay nấm bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc kháng sinh hoặc điều trị kháng nấm để điều trị căn nguyên gây ra rối loạn tiền đình của bệnh nhân.

Phẫu thuật

Khi thuốc và các liệu pháp khác không thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh nhân thì có thể cần phải phẫu thuật để đem lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, phương pháp này còn phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của rối loạn. Mục đích chung của phẫu thuật là ổn định và sửa chữa chức năng tai trong để làm giảm triệu chứng và giải quyết căn nguyên của bệnh nếu có thể.

Phục hồi chức năng

Đa phần các bệnh nhân đều cần đến sự hỗ trợ của các bác sĩ vật lý trị liệu, nếu bệnh nhân đang có những triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các phương pháp hỗ trợ sẽ giúp bệnh nhân tập di chuyển một cách an toàn và hạn chế tình trạng té ngã. Đồng thời, các bác sĩ phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân học cách đối phó với triệu chứng chóng mặt trong cuộc sống hàng ngày. Một số các phương pháp phục hồi chức năng và tư vấn để cải thiện cuộc sống, giảm thiểu tối đa nguy cơ té ngã cho bệnh nhân rối loạn tiền đình có thể kể đến bao gồm:

Điều trị Rối loạn tiền đình
Điều trị Rối loạn tiền đình hiệu quả
  • Tập lên và xuống cầu thang có gắn tay vịn
  • Tập tự đi bộ và tập thể dục
  • Tổ chức ngôi nhà để an toàn hơn, chẳng hạn như sử dụng tay vịn
  • Thay đổi giày hoặc quần áo của bạn, chẳng hạn như đi giày đế thấp
  • Thay đổi thói quen hàng ngày của bạn, chẳng hạn như lập kế hoạch trong ngày để bạn không phải đi trong bóng tối
  • Học cách sử dụng gậy hoặc khung tập đi

Chóng mặt tư thế lành tính được điều trị bằng sử dụng phương pháp Epley. Đây là phương pháp dựa trên cơ sở đặt lại các tinh thể canxi vào đúng vị trí của nó nhằm giải phóng tắc nghẽn. Các động tác hỗ trợ khác như Semont, bài tập Brandt-Daroff đôi khi cũng được sử dụng. Tùy theo tình huống cũng như sức khỏe tổng quát của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ sử dụng các phương pháp đơn độc hoặc phối hợp chúng lại, để định vị lại các tinh thể nhằm khôi phục dòng chảy và điều chỉnh tổn thương cấu trúc ngoại vi.

Tài liệu tham khảo

  1. Vestibular Dysfunction:
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK558926/
  2. Treatment for Vestibular Disorders:
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4795095/
  3. Vestibular Balance Disorder:
    https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/vestibular-balance-disorder
  4. What Are Vestibular Disorders?
    https://www.webmd.com/brain/vestibular-disorders-facts
  5. Prevalence of vestibular dysfunction and associated factors in South Korea:
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4636645/
BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn